Phong cách thiết kế nội thất Gothic đặc trưng với những không gian huyền bí, quyền lực, mang nét kiến trúc cổ điển tráng lệ đi cùng nhiều chi tiết chạm khắc tinh xảo. Phong cách này được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực phim ảnh, khi các đạo diễn Hollywood muốn tạo ra các bối cảnh mang tính kỳ bí, hùng vĩ và đầm chất sử thi. Nếu bạn đã từng xem qua series phim kinh điển “Harry Potter” thì chắc hẳn đã nhìn thấy tòa lâu đài Hogwarts phong cách Gothic với cửa sổ kính màu, vòm nhọn và không gian huyền bí.
Nếu bạn đam mê khám phá về một phong cách nội thất độc đáo mang tính lịch sử và màu sắc tôn giáo sâu sắc, hãy cùng S-housing tìm hiểu sâu hơn về phong cách Gothic ở bài viết dưới đây!
1. Định nghĩa phong cách thiết kế nội thất Gothic
Trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất, Gothic là một phong cách thiết kế nổi bật với vẻ đẹp tráng lệ, uy nghi và quyền quý. Phong cách được nhận diện qua các đặc trưng như mái vòm nhọn, cửa sổ kính màu lớn với họa tiết cầu kỳ, hệ thống cột trụ cao kết hợp vòm bay đồ sộ, tạo ra cảm giác kiên cố và tinh tế. Gothic sử dụng chủ yếu các tông màu trầm tối, gợi ra vẻ bí ẩn và sâu lắng. Đây được xem là phong cách biểu tượng của các nhà thờ, lâu đài hoặc dinh thự quyền quý trong thời Trung Cổ.
Nhìn chung, phong cách Gothic không quá phổ biến trong thiết kế nội thất nhà ở thông thường. Đặc trưng với nghệ thuật trang trí công phu, đường nét cầu kỳ sắc sảo và tỷ lệ kiến trúc hoành tráng nên Gothic đòi hỏi các không gian lớn để thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Do vậy, Gothic chủ yếu xuất hiện trong các công trình đồ sộ như dinh thự, khách sạn cao cấp, nhà hàng hoặc công trình tôn giáo.
Tại Việt Nam, một số công trình kiến trúc nổi tiếng thiết kế lấy cảm hứng từ phong cách Gothic có thể kể đến như: Nhà thờ lớn – Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn, Nhà thờ Mằng Lăng – Phú Yên.
2. Nguồn gốc tên gọi & sự hình thành phong cách Gothic
Nguồn gốc tên gọi “Gothic” trong phong cách có liên quan đến người Goth, một bộ tộc cổ đại trong lịch sử Châu Âu. Ban đầu, thuật ngữ này mang ý nghĩa tiêu cực, được những nhà phê bình nghệ thuật thời Phục Hưng dùng để chỉ trích những lối thiết kế Trung Cổ mà họ xem là “mọi rợ” hay không tuân thủ các chuẩn mực thẩm mỹ cổ điển của Hy Lạp và La Mã.
Cho đến thế kỷ 12 tại Pháp, Gothic mới phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào nghệ thuật có ảnh hưởng sâu sắc trong các lĩnh vực kiến trúc, hội họa, điêu khắc và sau này là thời trang. Nó đặc trưng bởi sự kết hợp giữa các yếu tố kiến trúc và trang trí cổ điển mang tính tráng lệ, huyền bí, lộng lẫy và đầy quyền lực.
Nhiều sử gia đã cho rằng, Gothic là sự thừa hưởng và phát triển tiếp nối từ phong cách Romanesque trước đó. Tuy nhiên, Gothic lại cho thấy sự vượt xa so với “người anh tiền nhiệm” của mình bằng những kỹ thuật xây dựng sáng tạo và đột phá. Trong đó, nổi bật là việc sử dụng vòm nhọn và cửa kính màu giúp các công trình Gothic vừa vững chãi vừa tràn ngập ánh sáng đầy sắc màu. Không đơn thuần là một phong cách thiết kế, Gothic còn mang những ý nghĩa sâu sắc về tôn giáo và văn hóa, phản ánh sự sáng tạo vượt thời đại và tinh thần vươn lên của người Châu Âu Trung Cổ.
3. Phong cách thiết kế nội thất Gothic có đặc điểm gì?
3.1 Kiến trúc vòm nhọn đầy huyền bí
Kiến trúc vòm nhọn (Pointed Arch) là nét đặc trưng nổi bật nhất của phong cách thiết kế Gothic, bắt nguồn từ kiến trúc nhà thờ và cung điện Trung Cổ. Vòm nhọn có phần đỉnh vươn cao, hướng lên trên, mang lại cảm giác thanh thoát và uy nghi cho công trình. Kiến trúc này sẽ kết hợp với những đường cong thanh mảnh, cân đối, có cả những chi tiết trang trí phức tạp.
Trong các thiết kế phong cách Gothic, kiến trúc vòm nhọn thường được nhìn thấy ở cửa ra vào, cửa sổ, lò sưởi hoặc khung nội thất. Chúng được sắp xếp một cách đối xứng, tạo ra sự hài hòa và vẻ bề thế cho tổng thể không gian.
Ngoài giá trị thẩm mỹ, kiến trúc vòm nhọn còn giúp tăng khả năng chịu lực cho công trình, được xem là giải pháp xây dựng vượt trội thời Trung Cổ. Đặc biệt, nó còn thể hiện những ý nghĩa văn hóa, lịch sử và tôn giáo đầy sâu sắc, biểu tượng cho khát vọng vươn lên và sự kết nối giữa con người với thần linh.
3.2 Màu sắc trầm tối, ma mị
Phong cách nội thất Gothic đặc trưng với những gam màu tối, điển hình như đen, đỏ thẫm, tím, xanh đậm, vàng nâu,… Những màu sắc này gợi ra cảm giác huyền bí, ma mị, đồng thời còn làm không gian trở nên sang trọng và toát lên sự quyền quý đặc trưng của các kiến trúc Châu Âu thời Trung Cổ.
Ngoài ra, Gothic cũng sử dụng thêm các gam màu như nâu gỗ, trắng ngà, kem, xám đậm,… để trung hòa lại sự mạnh mẽ của bảng màu tối. Điều này cũng giúp tăng thêm điểm nhấn, cân bằng thị giác cũng như tôn lên các chi tiết cầu kỳ đặc trưng của phong cách này.
3.3 Cửa sổ kính màu – Biểu tượng của phong cách Gothic
Cửa sổ kính màu là một đặc trưng mang tính biểu tượng của phong cách thiết kế nội thất Gothic. Nó thường xuất hiện với những họa tiết phức tạp, hoa văn tinh tế hoặc thể hiện các hình ảnh tôn giáo mang tính biểu tượng như thiên thần, thánh giá, cảnh quan thiên nhiên. Điều đặc biệt là những chi tiết này lại được ghép từ những mảnh kính nhỏ nhiều màu sắc, chủ yếu là những màu đậm như đỏ ruby, xanh sapphire, vàng ánh kim hay tím hoàng gia.
Khi ánh sáng mặt trời xuyên qua cửa sổ kính màu, nó tạo ra hiệu ứng ánh sáng nghệ thuật và đa sắc. Chính yếu tố này càng làm cho không gian Gothic vốn kì bí, ma mị lại càng lung linh, huyền ảo hơn. Ngày nay, trong các không gian nhà hiện đại, những chi tiết trang trí trên cửa sổ kính màu đã được tối giản hóa để phù hợp gu thẩm mỹ đương đại. Tuy nhiên, chúng vẫn giữ được nét cổ điển và tính độc đáo riêng của phong cách Gothic.
3.4 Họa tiết chạm khắc cầu kỳ và tinh xảo
Hoa văn chạm khắc là yếu tố làm nên giá trị nghệ thuật vượt thời gian của phong cách thiết kế nội thất Gothic. Không chỉ tính thẩm mỹ, các chi tiết này còn thể hiện sự công phu, tỉ mỉ, tay nghề cao và khả năng tư duy nghệ thuật vượt thời đại của các nghệ nhân Trung Cổ.
Họa tiết chạm khắc trong Gothic phổ biến là họa tiết lấy cảm hứng từ động thực vật thiên nhiên, hoa văn tôn giáo hoặc các đường nét uốn lượn đối xứng và phức tạp. Những chi tiết này xuất hiện trên cột, trần, vòm cửa, bề mặt nội thất và kể cả các phụ kiện trang trí như đèn chùm, giá nến, khung gương,… Chúng góp phần tạo ra bầu không khí huyền bí, tráng lệ và lôi cuốn đặc trưng của phong cách Gothic.
3.5 Chất liệu cao cấp và bền bỉ
Chất liệu đặc trưng của phong cách thiết kế nội thất Gothic thường thuộc dòng cao cấp, mang vẻ đẹp mạnh mẽ, sang trọng và có độ bền cao. Những chất liệu này gắn liền với sự uy nghi, quyền quý, phản ánh tư duy thiết kế tinh tế và công phu. Phổ biến có thể kể đến như:
- Gỗ tự nhiên: Thường là gỗ gụ, gỗ sồi, gỗ óc chó hoặc các dòng gỗ tối màu, được dùng để chế tác các chi tiết chạm khắc tinh xảo.
- Đá tự nhiên: Thường là đá cẩm thạch, đá granit, đá vôi có bề mặt mài nhẵn hoặc điêu khắc công phu, mang lại cảm giác trường tồn và vững chắc.
- Kim loại: Thường là đồng, sắt rèn, thép không gỉ được sơn đen hoặc phủ vàng, xỉn bạc, dùng trong các chi tiết trang trí như đèn chùm, tay vịn cầu thang, khung gương,…
- Vải dày, cao cấp: Nhung, gấm, lụa có màu sắc hoặc họa tiết nổi trội mang tông màu đậm như đỏ ruby, tím thẫm, xanh lục bảo,… được dùng làm bọc ghế, rèm cửa, thảm trải sàn, trang trí giường,…
3.6 Ánh sáng mờ ảo và thần bí
Phong cách thiết kế nội thất Gothic không chuộng những kiểu ánh sáng mạnh mà tập trung tạo ra cảm giác mờ ảo, ấm cúng và thần bí. Bên cạnh ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ kính màu, Gothic chỉ sử dụng thêm ánh sáng dịu nhẹ từ đèn chùm cổ điển hoặc ánh sáng mờ nhạt của nến để tăng phần lãng mạn, huyền ảo cho không gian.
Trong nội thất Gothic hiện đại, ánh sáng nến truyền thống sẽ được thay thế bằng đèn LED hoặc nến điện tử. Điều này giúp duy trì hiệu ứng ánh sáng đặc trưng của phong cách nhưng an toàn và tiện lợi cho cuộc sống hiện đại.
Trong các không gian Gothic, ánh sáng được phân bổ có chủ đích để tạo ra sự tương phản rõ nét giữa các vùng sáng và tối. Hiệu ứng chuyển đổi ánh sáng như vậy làm tăng phần kịch tính và chiều sâu cho không gian. Đồng thời cũng tôn lên các chi tiết chạm khắc, cấu trúc kiến trúc và đồ nội thất.
3.7 Nội thất Gothic lớn, nhiều chi tiết cầu kỳ
Nội thất trong phong cách thiết kế Gothic đa phần đều có kích thước lớn, kiểu dáng đồ sộ tạo cảm giác uy nghi và quyền lực cho không gian. Các vật dụng như bàn ghế, tủ kệ hay giường ngủ sẽ được chạm khắc tỉ mỉ các họa tiết, hoa văn đặc trưng của Gothic. Thậm chí, thiết kế vòm nhọn cũng được ứng dụng để làm các chi tiết trên đồ nội thất.
Nội thất Gothic đặc trưng với màu sắc trầm tối, thường là đen hoặc nâu gỗ, kết hợp với các chất liệu khác như đá, vải nhung, da. Các chi tiết tay cầm kim loại bằng đồng, sắt rèn mạ vàng, dát bạc, tạo ra sự lộng lẫy và đẳng cấp cho tổng thể không gian.
4. Phong cách nội thất Gothic trong thiết kế hiện đại
Để ứng dụng phong cách Gothic trong không gian hiện đại, các yếu tố về màu sắc, đường nét, kiến trúc và chất liệu đã được đơn giản hóa để trở nên phù hợp. Cụ thể:
- Giảm bớt màu tối, kết hợp thêm với các gam màu trung tính như trắng, kem, xám nhạt,… để mang lại cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu.
- Thêm vào các chất liệu hiện đại như kính, nhựa, vải sợi tổng hợp,… thay vì chỉ sử dụng chất liệu quá cao cấp, khan hiếm để tăng tính ứng dụng cho phong cách.
- Tối giản hóa các họa tiết chạm khắc trên nội thất, trần, tường, cột và đồ trang trí để tạo cảm giác thanh thoát, tinh tế, phù hợp thẩm mỹ đương đại.
- Thêm cây xanh vào không gian để mang lại sự gần gũi với thiên nhiên.
Dưới đây là một số ví dụ về phong cách thiết kế nội thất Gothic trong không gian sông hiện đại:
Lời kết
Phong cách thiết kế nội thất Gothic với vẻ đẹp tráng lệ, quyền quý và đồ sộ, sẽ chỉ thích hợp với các không gian rộng như dinh thự, nhà hàng hay khách sạn cao cấp. Nếu bạn yêu thích phong cách độc đáo này nhưng diện tích nhà không cho phép, hãy để S-housing đưa ra cho bạn giải pháp tối ưu. Hy vọng bài viết phía trên đã giúp bạn hiểu thêm về một phong cách nội thất đầy mới mẻ và ấn tượng. Hãy liên hệ S-housing qua những thông tin dưới đây khi bạn có thắc mắc cần được giải đáp, hoặc có nhu cầu tư vấn về các dịch vụ thiết kế – thi công nội thất chuyên nghiệp và bền vững.
Công ty TNHH Kiến Trúc – Nội Thất S.Housing
- HCM Office & Showroom: 02 Đường số 37, KDC Vạn Phúc City, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức
- HCM Office 2: V3 – 43 khu Manhattan Vinhome Grand Park, Q9, TP. Thủ Đức
- Showroom 3: Bảo tàng Văn học Việt Nam, Ngõ 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội
- Mobile: 090 167 0099
- Facebook: https://www.facebook.com/shousingvn/