Phong cách Zen – một phong cách nội thất đề cao sự giản dị và thiền định, đã trở thành xu hướng thiết kế trong thời đại áp lực tăng cao như hiện nay. Nó mang đến các không gian sống thanh tịnh, yên bình, giúp con người cảm thấy sự thư giãn và được giải tỏa căng thẳng. Nếu đây cũng chính là điều bạn đang tìm kiếm cho tổ ấm của mình, hãy tham khảo cách thiết kế nhà phong cách thiền mà S-housing chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Phong cách Zen là gì? Nguồn gốc hình thành ra sao?
1.1 Zen là gì? Vì sao gọi là phong cách nội thất Zen?
“Zen” (tiếng Việt nghĩa là Thiền) – là một triết lý bắt nguồn từ Phật giáo. Triết lý này nhấn mạnh vào sự giác ngộ thông qua thiền định, hướng con người tới lối sống tối giản và gắn kết với thiên nhiên.
Áp dụng triết lý này vào thiết kế nội thất, phong cách Zen tạo ra các không gian sống bình yên và thanh tịnh, mang các đặc trưng như không gian mở, sử dụng vật liệu tự nhiên và tối giản hóa các yếu tố trong thiết kế. Vì vậy, nhà phong cách Zen hay được ví như một “ngôi chùa nhỏ”, nơi con người luôn cảm nhận được sự thư giãn, thanh tịnh và tìm thấy được sự cân bằng trong tâm hồn mình.
1.2 Phong cách Zen hình thành như thế nào?
Phong cách Zen trải qua một quá trình hình thành và phát triển kéo dài trong nhiều thế kỷ để có thể trở thành một “phiên bản” hoàn thiện như hiện tại. Có 4 giai đoạn chính:
- Nền móng hình thành triết lý Zen (thế kỷ 5-6): Khi Phật giáo được Bồ Đề Đạt Ma truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc.
- Bắt đầu hình thành (thế kỷ 11-13): Phật giáo Thiền tông được truyền bá rộng rãi ở Nhật Bản và ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa truyền thống. Các ngôi chùa thiền được xây dựng mang đường nét đơn giản, có không gian mở gắn kết thiên nhiên, đặt nền móng hình thành phong cách kiến trúc Zen trong thiết kế nội thất.
- Phát triển mạnh mẽ (1336-1573): Phong cách Zen phát triển mạnh mẽ tại Nhật, không chỉ trong thiết kế nội thất mà còn ở các lĩnh vực nghệ thuật, đồ gốm, làm vườn.
- Trở nên phổ biến (thế kỷ 20): Phong cách Zen trở nên phổ biến toàn cầu. Đặc biệt từ những năm 1980 – 1990, người phương Tây ứng dụng rộng rãi phong cách này trong thiết kế spa, nhà ở và khách sạn nghỉ dưỡng.
Tóm lại, phong cách Zen là giao thoa giữa các yếu tố văn hóa và triết học. Thu hút với tính thẩm mỹ tinh tế, không gian sống bình yên và gần gũi thiên nhiên, cho đến nay, đây vẫn là một trong những phong cách nội thất được yêu thích trên toàn thế giới.
2. Nét đặc trưng của phong cách Zen
2.1 Tập trung vào sự tối giản
Nhà phong cách Zen sẽ có khá ít đồ đạc vì phong cách thiết kế này chỉ sử dụng những vật dụng cần thiết. Zen tập trung tạo ra nhiều không gian trống để mang lại cảm giác thông thoáng, yên tĩnh. Đường nét thiết kế cũng được tối giản hết mức tạo ra tính thẩm mỹ tinh tế. Trong không gian hoàn toàn không xuất hiện bất kỳ hoa văn uốn lượn cầu kỳ nào hay các chi tiết trang trí thừa không mang lại giá trị thẩm mỹ và công năng.
2.2 Sử dụng nhiều yếu tố tự nhiên trong thiết kế
Phong cách Zen đặc trưng với việc sử dụng các yếu tố tự nhiên trong thiết kế, bao gồm ánh sáng, vật liệu và cây xanh. Nhà phong cách thiền thường sử dụng nhiều cửa sổ lớn, cửa trượt, vách ngăn kính, làm trần nhà cao để tận dụng tối đa ánh sáng ngoài trời, mang lại sự thoáng đãng và thư thái.
Gỗ, đá, tre và vải lanh là những vật liệu tự nhiên được Zen ưa chuộng. Chúng không chỉ mang lại sự mộc mạc, gần gũi thiên nhiên mà còn là những vật liệu bền bỉ và dễ ứng dụng.
Cây xanh là một yếu tố trang trí quan trọng trong phong cách Zen. Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, cây xanh còn giúp hấp thụ ánh sáng, điều hòa không khí, mang lại sự sống động, trong lành và thư giãn cho không gian sống.
2.3 Màu sắc trung tính tạo không gian thanh tịnh
Phong cách Zen nổi bật với tinh thần tối giản và gần gũi thiên nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét qua đặc trưng về màu sắc của phong cách này. Nhà kiểu Zen luôn xuất hiện 3 loại màu sau: màu trung tính, màu tự nhiên và màu đen.
Các màu trung tính như trắng, be, xám, nâu,… là những gam màu chủ đạo mà Zen ưa chuộng. Những màu sắc này mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh lịch, làm tăng sự rộng rãi cho không gian. Đồng thời cũng là một dạng lớp nền lý tưởng để tôn lên các chi tiết trong thiết kế.
Màu tự nhiên Zen sử dụng là màu nâu của gỗ, màu xanh của lá cây, hoặc màu của hoa dùng để trang trí trong nhà. Nhóm màu sắc khi kết hợp với các màu nền trung tính sẽ làm cho không gian trở nên hài hòa, sống động, đặc biệt là cảm giác gần gũi thiên nhiên đúng với tinh thần của phong cách này.
Màu đen là một gam màu có sắc độ mạnh và thuộc tông tối. Phong cách Zen chủ yếu sử dụng gam màu này để tạo điểm nhấn cho không gian.
2.4 Sự thiền định trong nhà phong cách Zen
Phong cách Zen khuyến khích con người sống cân bằng, hài hòa và tĩnh tâm. Vì vậy, các yếu tố thiết kế đều hướng tới việc tạo ra một không gian sống thiền định. Trong một ngôi nhà kiểu Zen, các thiết bị điện tử như tivi sẽ được giấu đi hoặc tích hợp trong tủ một cách tinh tế. Đồng thời không để lộ bất kỳ phần dây điện, dây cáp nào để tránh phá vỡ sự yên tĩnh và xao nhãng sự tập trung của không gian.
Đồ trang trí trong phong cách Zen không chỉ để tạo điểm nhấn thẩm mỹ và cũng góp phần làm tăng sự thiền định trong thiết kế. Phổ biến là tượng Phật, tranh thư pháp, đèn lồng, chuông gió, hoa khô, đồ gốm sứ,…
2.5 Tính cân bằng và hài hòa trong không gian
Không gian có sự cân bằng và hài hòa sẽ giúp giảm thiểu sự xao nhãng, tạo cảm giác yên bình và tăng tính tập trung. Do đó, sự cân bằng và hài hòa được xem là 2 yếu tố cốt lõi trong phong cách thiết kế nhà thiền. Không đơn thuần là sắp xếp đồ vật đối xứng mà còn là sự kết hợp hài hòa các yếu tố ánh sáng, màu sắc và tự nhiên.
Phong cách Zen chia nhỏ không gian thành các phần bằng nhau, sau đó sắp xếp các vật dụng đối xứng qua một trục tưởng tượng. Bố cục này tạo ra sự hài hòa tổng thể, thể hiện tính thẩm mỹ tinh tế và mang lại sự thuận tiện trong sinh hoạt. Ngoài ra, trong nhà phong cách thiền sẽ không xuất hiện bất kỳ màu sắc sặc sỡ nào. Chủ yếu sử dụng màu nhẹ cùng tông và kết hợp chúng hài hòa để tăng thêm sự cân bằng, thanh tịnh.
3. Thiết kế nội thất nhà phong cách Zen thiền định
Sở hữu một không gian sống yên bình, tĩnh lặng giúp bạn dễ dàng giải tỏa những áp lực cuộc sống phải đối mặt hằng ngày. Dưới đây là những giải pháp ứng dụng phong cách Zen để thiết kế nội thất cho từng không gian trong nhà để bạn tham khảo:
3.1 Phòng khách
Thiết kế phòng khách phong cách Zen ưu tiên những gam màu đơn giản như trắng, be, xám để tạo cảm giác thanh lịch và yên tĩnh. Các nội thất bên trong như bàn trà, sofa, tủ tivi, đèn trang trí,… nên chọn loại làm bằng gỗ, thiết kế đơn giản và bố trí hài hòa. Thiết kế mở kết hợp cửa kính lớn để tận dụng ánh sáng tự nhiên, kết hợp ánh sáng đèn dịu nhẹ tạo cảm giác thư giãn, thanh tịnh.
3.2 Phòng bếp & phòng ăn
Thiết kế bếp cho nhà phong cách thiền nên ưu tiên thiết kế mở, kết nối với các không gian khác trong nhà hoặc ngoài trời để tạo cảm giác thoáng đãng và gần gũi thiên nhiên. Khi chọn nội thất như tủ bếp, bàn ăn, kệ đợt,… cần chú trọng tiêu chí tối giản và tự nhiên, từ màu sắc, đường nét cho đến chất liệu.
Các thiết bị nội trợ như bếp nấu, máy hút mùi, máy rửa chén, lò nướng,… hãy bố trí chúng âm tủ để giữ sự tinh tế. Sử dụng cây xanh hoặc các chậu hoa khô nhỏ để trang trí bàn ăn hay góc bếp sẽ giúp không gian trở nên có điểm nhấn hơn mà không phá vỡ đi sự tĩnh lặng đặc trưng mà Zen hướng đến.
3.3 Phòng ngủ
Thiết kế phòng ngủ Zen chỉ nên dùng những màu sắc nhẹ nhàng, tự nhiên để tạo cảm giác thư giãn và êm dịu. Những vật dụng không cần thiết, hãy loại bỏ chúng để giữ sự ngăn nắp, ít đồ đạc đặc trưng của các không gian thiền. Chú ý đến sự kết hợp giữa các yếu tố ánh sáng tự nhiên, vật liệu hữu cơ, cây xanh và mùi hương thiên nhiên phải có sự hài hòa và cân bằng để mang lại những phút giây nghỉ ngơi tĩnh lặng và thư thái nhất.
3.4 Phòng tắm
Phòng tắm Zen không chỉ đơn thuần là một nơi để vệ sinh cơ thể, mà nó còn là nơi để mọi giác quan của bạn được thư giãn toàn bộ. Kiểu phòng tắm này thường được thiết kế có cửa sổ lớn, sử dụng gỗ hoặc đá làm vật liệu chính để tạo sự gắn kết với thiên nhiên. Loại bồn tắm đặc trưng của phòng tắm Zen là Ofuro (tên gọi bằng tiếng Nhật), được làm bằng đá hoặc gỗ Hinoki có độ bền cao.
3.5 Vườn khô
Trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, vườn khô (Zen Garden) là không gian thiền định, nơi con người tìm kiếm sự tĩnh lặng và cân bằng tâm hồn.
Vườn khô được tạo nên từ những yếu tố đơn giản như đá, sỏi, cát và rêu. Những yếu tố này được sắp xếp một cách tỉ mỉ tạo thành một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ, giúp người ta tập trung vào sự tĩnh lặng và chiêm nghiệm về sự vô thường của cuộc sống.
Bạn có thể dễ dàng tạo ra một khu vườn khô tại nhà, ở bất kỳ đâu mà bạn thích, có thể là khoảng sân rộng phía trước hoặc ở một góc nhỏ trong nhà. Chuẩn bị đá, sỏi, cát và rêu. Sử dụng chổi tre hoặc cây cào nhỏ để tạo hình những đường nét mềm mại trên bề mặt cát theo sở thích của bạn. Ngoài ra, đừng quên thường xuyên chăm sóc vườn khô, làm sạch rêu để đảm bảo tính thẩm mỹ được duy trì.
4. Phân biệt phong cách Zen, Minimalist và Wabi Sabi
3 phong cách nội thất – Zen, Minimalist và Wabi Sabi vì đều hướng đến sự đơn giản, tinh tế, gần gũi thiên nhiên nên thường hay bị nhầm lẫn với nhau. Dưới đây là những điểm khác biệt giữa chúng:
Tiêu chí so sánh | Phong cách nội thất Zen | Phong cách Minimalist | Phong cách Wabi Sabi |
Tinh thần | Tĩnh tâm, cân bằng, hòa hợp thiên nhiên | Tối giản, gọn gàng, hiệu quả | Vẻ đẹp từ sự không hoàn hảo, tự nhiên và giản dị |
Cảm giác không gian | Bình yên, thư thái, thanh tịnh | Tinh tế, đơn giản, gọn gàng | Ấm cúng, mộc mạc, gần gũi |
Màu sắc | Trung tính và tự nhiên (trắng, be, nâu, xanh lá cây) | Đơn sắc, chủ yếu là trắng, đen hoặc xám | Tông ấm và tự nhiên (be, vàng nhạt, nâu nhạt, xanh lá) |
Chất liệu | Gỗ, đá, mây, tre, vải sợi tự nhiên | Kim loại, kính, thủy tinh, bê tông | Gỗ thô mộc, đất sét, vải thô. |
Đồ trang trí | Tượng phật, tranh thư pháp, hoa khô, cây bonsai | Đồ vật đơn giản, ít màu sắc, hình khối và chức năng rõ ràng | Đồ thủ công handmade, đồ vật cũ có dấu vết thời gian |
5. Sai lầm thường gặp khi thiết kế nhà phong cách Zen
Nhiều người mắc phải những lỗi sai thường gặp dưới đây khi cố gắng thể hiện tinh thần của phong cách Zen trong không gian sống:
- Quá nhiều đồ đạc -> Làm rối mắt, phá vỡ sự yên tĩnh và giảm tập trung -> Giảm thiểu vật dụng, chỉ dùng những món đồ thật sự cần thiết.
- Dùng màu sặc sỡ -> Làm mất đi sự tĩnh lặng và bình yên của không gian -> Ưu tiên những màu trung tính và tự nhiên.
- Ánh sáng quá mạnh -> Gây căng thẳng và làm mất đi cảm giác thư giãn -> Tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng đèn LED hoặc đèn sợi đốt có ánh sáng dịu nhẹ.
- Thiếu sự cân bằng -> Làm mất đi sự hài hòa, yên bình và tập trung -> Chú ý tỷ lệ và bố cục giữa các vật dụng với không gian.
- Bỏ qua yếu tố thiên nhiên -> Không thể hiện được tinh thần gắn kết thiên nhiên của Zen -> Sử dụng nhiều yếu tố tự nhiên trong không gian như ánh sáng, vật liệu và cây xanh.
Lời kết
Trong thời đại áp lực cao như hiện nay, phong cách Zen đã trở thành một xu hướng thiết kế được ưa chuộng toàn cầu. Điều này phản ánh rõ nét sự quan tâm của con người dạo gần đây đối với sức khỏe tinh thần. Các không gian sống Zen không chỉ đẹp mắt mà còn mang lại những tác động tích cực đến tâm lý, giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ và tìm thấy sự cân bằng trong tâm hồn. Khác biệt với nhiều phong cách nội thất khác, Zen còn cho thấy chiều sâu tâm linh trong mỗi không gian, nơi con người thực hiện thiền định để giác ngộ, cảm nhận sự kết nối sâu sắc với bản thân.
Hy vọng bài viết trên của S-housing đã mang đến cho bạn những thông tin thú vị về phong cách Zen. Nếu bạn muốn thiết kế nhà theo phong cách thiền và cần được tư vấn chi tiết hơn về giải pháp, hãy liên hệ cho chúng tôi qua những kênh sau đây và chia sẻ về mong muốn của bạn nhé!
Công ty TNHH Kiến Trúc – Nội Thất S.Housing
- HCM Office & Showroom: 02 Đường số 37, KDC Vạn Phúc City, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức
- HCM Office 2: V3 – 43 khu Manhattan Vinhome Grand Park, Q9, TP. Thủ Đức
- Showroom 3: Bảo tàng Văn học Việt Nam, Ngõ 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội
- Mobile: 090 167 0099
- Website: https://s-housing.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/shousingvn/